Tuy nhiên, ông Phúc cũng lưu ý việc tăng giá điện nếu được thực hiện sẽ phải hài hòa giữa các lợi ích về doanh thu của doanh nghiệp, quyền lợi của nhà đầu tư đồng thời cũng đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, thời điểm tăng giá điện sẽ được cân nhắc kỹ. “Giá điện sẽ tăng vào thời điểm thích hợp chứ chưa tăng vào thời điểm hiện nay”, ông Phúc tái khẳng định.
Về tình hình cung ứng điện cho mùa khô, Cục Điều tiết Điện lực cho biết đến nay việc cân đối cung cầu điện vẫn đảm bảo cấp điện cho sản xuất, phát triển kinh tế và sinh hoạt. “Song, như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo đối với những ngày quá nắng nóng, nhu cầu điện lớn thì vẫn có thể xảy ra việc mất điện cục bộ tại một vài địa điểm do giới hạn về lưới điện tải. Nhưng nhìn về mặt tổng thể, thì nguồn cung đảm bảo được nguồn nhu cầu của xã hội”, vẫn theo lời ông Phúc.
Liên quan đến mặt hàng xăng, dầu, câu hỏi được đặt ra cho cơ quan quản lý là giá xăng dầu trong nước khi nào giảm trong khi giá dầu thế giới đã giảm, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền phân tích việc tăng, giảm giá xăng dầu do Liên Bộ Công Thương và Tài chính theo dõi và điều hành theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
Bộ Công Thương với tư cách là Bộ phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá, còn chủ trì là do Bộ Tài chính. Về mặt nguyên tắc điều hành, trong vòng 10, 20, và 30 ngày cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào sàn giao dịch tại Singapore, thuế phí các loại để xem xét tăng, giảm ở mức biên độ nào để mức tăng, giảm vừa thực hiện được theo Nghị định 84 vừa thực hiện đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát.
Theo nguyên tắc đề ra trong Nghị định 84, việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước dựa trên giá bình quân của 30 ngày, ông Quyền giải thích thêm về cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay. “Tại sao chúng ta đề ra 30 ngày mà không theo tuần để tuần này giảm chúng ta giảm, ngược lại tuần này tăng, chúng ta tăng. Bởi chúng ta yêu cầu một thị trường cố gắng ổn định (ổn định là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải dự trữ lưu thông 30 ngày). Như vậy, chúng ta đặt câu chuyện an ninh năng lượng, đảm bảo câu chuyện hàng hóa tiêu dùng xăng dầu trong mọi tình huống.
Chính vì, thế thiết kế giá cơ sở được tính bình quân giá của 30 ngày nên không thể nhìn hiện tượng giá hôm nay tăng mà chưa tăng, hay khi giá giảm mà giảm ngay được”, ông Quyền nói.
Đại diện của Vụ Thị trường trong nước cũng lý giải thời gian vừa qua doanh nghiệp không được tự động tăng giá bán vì Chính phủ đang thực hiện kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội nên Nhà nước thực hiện quyền giám sát và quyền quyết định giá.
Nhưng quyền này vẫn tôn trọng Nghị định 84 là căn cứ vào vận hành của giá thế giới, sử dụng các công cụ là Quỹ bình ổn, thuế nhập khẩu. Vừa rồi đã đưa thuế nhập khẩu về 0% để giảm tăng trong nước, hay đưa quỹ bình ổn có thời điểm tới 1.400 đồng/lít để giá bán lẻ trong khác đi so với giá thế giới. Khi giá thế giới giảm thay vì giảm giá bán, chúng ta rút dần cho Quỹ bình ổn giá để đưa về giá thực.
Chính vì có sự can thiệp giá bán của Nhà nước để bình ổn trong nước, cộng với chênh lệch tỷ giá 9,3% trong năm 2011 nên ước tính đến hết quý 1/2012, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu đã lỗ 5.000 tỷ đồng. Bộ Công Thương đã có đề nghị với Chính phủ và Bộ Tài chính có phương án xử lý khoản lỗ này cho doanh nghiệp.
nguồn: vneconomy