“Bất ổn chính trị ở vùng Trung Đông đã trở thành tâm điểm chú ý”, IEA cho biết trong báo cáo được công bố vào ngày thứ Sáu (13/04).
“Vẫn còn phải chờ xem liệu đà tăng giá gần đây có bền vững hay không và nếu có thì điều này sẽ tác động gì đến sự biến động cung cầu trên thị trường dầu”, IEA nói thêm.
Trong ngày thứ Tư (11/04), hợp đồng dầu thô tương lai leo lên mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 12/2014 trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng ở vùng Trung Đông và nỗi lo ngại về các động thái quân sự từ phía các cường quốc phương Tây.
Sau đó, giá dầu đã rút khỏi mức cao nhất trong nhiều năm, mặc dù các hợp đồng tương lai chuẩn bị ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong 8 tháng
Vào sáng ngày thứ Sáu (13/04), hợp đồng dầu Brent giảm 0.2% xuống 71.89 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI lùi 0.15% xuống 66.96 USD/thùng. Cả hai hợp đồng này đều tăng 5 USD/thùng so với thời điểm đầu tuần.
Đà tăng của giá dầu bắt đầu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng cảnh báo trên mạng xã hội Twitter rằng Nga hãy sẵn sàng vì tên lửa 'sẽ tới' Syria.
Tuy nhiên, một ngày sau đó, trong một bài đăng trên mạng Twitter, ông Trump cho biết: “Chưa bao giờ nói khi nào thì cuộc tấn công vào Syria sẽ diễn ra. Có thể diễn ra rất sớm hoặc cũng có thể không! Ở bất kỳ trường hợp nào, Mỹ dưới thời của tôi đã làm tốt chuyện loại bỏ khu vực của ISIS. Vậy câu ‘cám ơn nước Mỹ’ của chúng tôi đâu?”. Sau đó, nhà đầu tư cũng bớt lo lắng hơn.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo trên thế giới tiếp tục cân nhắc về các động thái quân sự ở Syria. Syria không phải là nhà sản xuất dầu lớn, nhất là sau khi trải qua hơn 7 năm nội chiến.
Bên cạnh tình trạng bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, một yếu tố khác cũng góp phần hỗ trọ giá dầu là thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga – một thỏa thuận đã có hiệu lực từ tháng 1/2017.
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa OPEC và một số nhà sản xuất bên ngoài được lập ra với mục tiêu xóa bỏ tình trạng dư cung toàn cầu và hỗ trợ giá dầu. Được biết, thỏa thuận này sẽ kéo dài đến cuối năm 2018.
IEA vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu trong năm 2018 ở mức 99.3 triệu thùng/ngày trong báo cáo mới. Triển vọng nguồn cung cũng giữ nguyên.
Vũ Hạo (Theo CNBC)